Quốc hội xem xét về dự án Luật Chăn nuôi

Đăng ngày 08 - 11 - 2018
Lượt xem:
100%


Dự án Luật Chăn nuôi được Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thoàn thể diễn ra vào chiều 7/11.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi.

Theo đó, về bố cục, nội dung của Dự thảo Luật, ông Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi nước ta đã có tốc độ phát triển nhanh đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược phù hợp để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và xử lý môi trường chăn nuôi; bổ sung quy định về chế biến, bảo quản để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, bền vững. Đồng thời đề nghị rà soát nội dung và số lượng chương, điều của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn.

Tiếp thu các ý kiến nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung một số điều, khoản; kết cấu, chỉnh sửa lại các chương, mục cho rõ ràng và hợp lý hơn, phù hợp với nội hàm điều chỉnh. Dự thảo Luật đã được bổ sung 1 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; một số điều quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; chỉnh sửa, bổ sung một số quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi;... Sau khi chỉnh sửa, Dự thảo Luật mới gồm 8 chương 82 điều, tăng 17 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo tồn nguồn gen vật nuôi, nhất là nguồn gen bản địa, quý, hiếm, nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng. Bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với một số sản phẩm chăn nuôi thiết yếu.

Tiếp thu các ý kiến xác đáng nêu trên, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa lại quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi tại Điều 4 theo hướng phân định các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ và cụ thể hóa trong các điều, khoản của Dự thảo Luật. Đối với ý kiến đề nghị bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với một số sản phẩm chăn nuôi thiết yếu thì tùy vào yêu cầu và điều kiện của từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình UBTVQH xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Do đó, xin không bổ sung nội dung này trong Dự thảo Luật.

Về giống và sản phẩm giống vật nuôi (Chương II), một số ý kiến đề nghị xem xét các quy định về quản lý giống vật nuôi để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi; bổ sung quy định quản lý giống theo phẩm cấp khác nhau để đảm bảo cung cấp con giống đạt chuẩn về chất lượng; bổ sung Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu các ý kiến nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung quy định về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi tại Mục 2, Chương II. Theo đó, tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm giống vật nuôi đáp ứng các yêu cầu đối với sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường (Điều 18). Dự thảo Luật bổ sung giải thích thuật ngữ về đàn giống cấp cụ kỵ, đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ. Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất giống tương ứng với từng phẩm cấp để quản lý một cách có hệ thống, sử dụng có hiệu quả từng loại giống phù hợp với xu thế của khu vực và quốc tế.

Về thức ăn chăn nuôi (Chương III), theo ông Phan Xuân Dũng, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và ATTP. Đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi tại Chương III; luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi mà đã được kiểm nghiệm, thực hiện ổn định trong thực tế; quy định yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường (Điều 32); cụ thể hóa trình tự, thủ tục công bố sản phẩm đối với từng loại thức ăn đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống và nguyên liệu đơn (từ Điều 33 đến Điều 36). Do đó, Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Về xử lý chất thải chăn nuôi (Mục 2, Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về  xử lý chất thải chăn nuôi để không làm ô nhiễm môi trường, sử dụng chất thải chăn nuôi là một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ. Đề nghị nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của quy định về quản lý chất thải chăn nuôi vì các trang trại có quy mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về nguồn lực tài chính, phải có lộ trình, kế hoạch thực hiện.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải tại Điều 59; xử lý tiếng ồn tại Điều 60; quy định cụ thể hơn về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ tại Điều 61 để BVMT trong chăn nuôi, đồng thời tận dụng được nguồn chất thải này làm dinh dưỡng cho cây trồng để giảm lượng xả thải và chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.

Ông Phan Xuân Dũng cũng cho hay, bên cạnh các vấn đề chính nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ Dự thảo Luật, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý trong từng điều, khoản của Dự thảo Luật, cũng như hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của Dự thảo Luật.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án luật này./.

Tin liên quan

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32(16/04/2024 8:29 SA)

Brazil tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh(11/04/2024 2:47 CH)

Điều hành quyết liệt, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra(04/04/2024 6:53 SA)

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan(26/03/2024 6:52 SA)

Tin mới nhất

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 32(16/04/2024 8:29 SA)

Brazil tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh(11/04/2024 2:47 CH)

Điều hành quyết liệt, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra(04/04/2024 6:53 SA)

Khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội(01/04/2024 2:49 CH)

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

°
43 người đang online