Khai mạc phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đăng ngày 21 - 02 - 2017
Lượt xem:
100%

Sáng 20-2, tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ QH (khóa XIV) đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của các Phó Chủ tịch QH.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ QH diễn ra từ ngày 20 đến 21-2. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, dự án Luật Thủy lợi. Đồng thời, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu QH; việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long; về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch QH đề nghị, để bảo đảm chất lượng phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan hữu quan tham dự đầy đủ, tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu, tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện các dự thảo báo cáo trình QH.

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất quan điểm: cần rà soát, sửa đổi triệt để những sai sót về kỹ thuật, những quy định bất hợp lý mà nếu không sửa thì không thi hành được mà các ngành cơ bản đã thống nhất về quan điểm. Một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai một lỗi kỹ thuật nhưng lại liên quan nhiều điều luật thì vẫn phải rà soát để sửa đổi điều luật đó nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn Bộ luật. Bên cạnh đó, cần bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung không được làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và QH khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật khác đang lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015.

Thời gian qua, đã xuất hiện một số loại cây, lá có chứa chất ma túy mới được mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng tại Việt Nam, gây tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Để bảo đảm tính kịp thời phòng, chống tội phạm, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định” vào dự thảo. Đồng thời, sửa đổi khoản 1, Điều 247 theo hướng bổ sung cụm từ “thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào sau cụm từ “cây khác có chứa chất ma túy” để bảo đảm tính đồng bộ và tránh việc xử lý hình sự quá rộng.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng theo Báo cáo số 95/BCA-V19 ngày 18-1-2017 của Bộ Công an thì tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất”. Nếu quy định như Điều 235 của BLHS năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua không thể xử lý hình sự được. Để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, dự thảo Bộ luật chỉnh lý theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại Điều 235 của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nêu rõ, do đây là nội dung chuyên ngành sâu nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn, cho nên đề nghị tiếp tục nghiên cứu; đồng thời, đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này.

Về Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292, BLHS năm 2015), nhiều ý kiến nêu rõ, việc bỏ Điều 292 là phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn các hoạt động kinh tế hiện nay. Còn đối với những hành vi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng trong các hoạt động kinh doanh vàng, kinh doanh đa cấp… thì đã có thể xử lý hình sự ở các tội danh khác.

Buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Thủy lợi, một số ý kiến cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chưa thật sự rõ ràng, chưa bao quát hết các nội dung của Luật như: bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các hoạt động liên quan trực tiếp đến thủy lợi như tiết kiệm nước, an toàn môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nước biển xâm nhập mặn...

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh. Một số ý kiến cho rằng, nếu quy định như đề nghị của Chính phủ thì chưa thể hiện rõ cơ chế đặc thù, thậm chí có quy định còn thắt chặt hơn đối với TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP Hồ Chí Minh, nhất là về thẩm quyền tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng khoán chi hành chính; thẩm quyền về nhân sự theo hướng lựa chọn nhân tài… Trong quá trình phân cấp cụ thể, cần giao cho UBND thành phố chủ động lập Đề án báo cáo Chính phủ, trình QH quyết định

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng pháp luật phải thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng(26/03/2024 6:53 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan(26/03/2024 6:52 SA)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov(20/03/2024 6:45 SA)

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư ở Việt Nam(20/03/2024 6:44 SA)

Tổng Bí thư chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng(14/03/2024 7:18 SA)

°
37 người đang online