Tín hiệu vui từ KCN đầu tư nước ngoài

Đăng ngày 10 - 01 - 2012
Lượt xem:
100%

Khu công nghiệp Thăng Long (thuộc KCN Phố Nối B) nằm ven Quốc lộ 39 và Quốc lộ 5, cách thủ đô Hà Nội khoảng 30 km, cách cảng Hải Phòng khoảng 70 km, cảng nước sâu Quảng Ninh khoảng 110 km.

 Xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi, chỉ sau 6 năm từ khi Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Thăng Long I được tỉnh Hưng Yên cho phép nghiên cứu, khảo sát lập dự án và làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Thăng Long II. Năm 2008, KCN Thăng Long II bắt đầu tiếp nhận các dự án đầu tư, đến nay KCN này đã trở thành một điển hình trong phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh với các tiêu chí cụ thể như: đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhanh và đồng bộ, các dự án được tiếp nhận đầu tư vào trong khu đều có suất đầu tư lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, dự án được triển khai nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đều đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành công nghiệp và hoạt động xuất khẩu của tỉnh.

Theo quyết định phê duyệt, KCN Thăng Long II có quy mô 219,6 ha. Sau khi được thành lập, bên cạnh việc được lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh đồng thuận trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH KCN Thăng Long II đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ phần diện tích được quy hoạch, bao gồm: Hệ thống đường giao thông nội bộ KCN, hệ thống cấp nước thoát nước, cấp điện, hệ thống PCCC, nhà máy cấp nước với công suất 4.500 m3/ngày.đêm và nhà máy xử lý nước thải với công suất 3.000 m3/ngày.đêm. Trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tập đoàn Sumitomo đã tuân thủ rất nghiêm ngặt các yêu cầu về trình tự thủ tục đầu tư, quy hoạch chi tiết, thiết kế kỹ thuật tổng thể, chi tiết và công tác bảo vệ môi trường. Cuối năm 2008 trở lại đây KCN tiếp nhận các dự án đầu tư. Mặc dù trong thời gian này, nhiều khu công nghiệp chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc triển khai đầu tư dự án và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, nhưng với khả năng tài chính ổn định và kinh nghiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý hoạt động và phát triển khu công nghiệp, trong thời gian qua việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu công nghiệp luôn ổn định và hiệu quả. Chỉ tính riêng năm 2011, khu công nghiệp đã tiếp nhận được 16 dự án đầu tư nước ngoài trên tổng số 22 dự án mới được tiếp nhận vào địa bàn trong năm. Toàn bộ số dự án mới được tiếp nhận vào KCN Thăng Long II đều là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 350 triệu USD, nâng tổng số dự án đầu tư vào trong khu công nghiệp là 31 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 842 triệu USD. Tổng diện tích đất cho thuê lại là 104 ha, lấp đầy 67% tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp (104/154ha). Các dự án đầu tư vào KCN đều được sàng lọc, lựa chọn những công nghệ sản xuất tương đối hiện đại, thân thiện với môi trường; chủ đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không ít dự án đầu tư khai thác lĩnh vực có trình độ kỹ thuật công nghệ cao đến từ các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như: Dự án sản xuất các sản phẩm vật liệu tổng hợp Composit dùng cho máy bay thương mại của Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và gia công máy vi tính, các thiết bị và sản phẩm internet, viễn thông, thông tin của Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II (Nhật Bản), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 200 triệu USD; dự án sản xuất chế hòa khí, van tiết lưu, ống dẫn khí, mô đun nhiên liệu, bộ điều khiển điện tử cho xe máy, xe ô tô và động cơ đa năng của Công ty TNHH Keihin Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 68 triệu USD; dự án sản xuất lithium sắt phốt phát sử dụng làm điện cực cho pin lithium của Công ty TNHH SOC Việt Nam (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 41 triệu USD. Bên cạnh đó, để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, Công ty TNHH quản lý Kyocera Việt Nam (Nhật Bản) đã đầu tư 58 triệu USD vào khu công nghiệp để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho việc di chuyển và mở rộng hệ thống các nhà máy, công ty con của tập đoàn trong thời gian tới.

Do tiềm lực tài chính vững và định hướng đầu tư tốt nên quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống máy móc đều được các nhà đầu tư triển khai nhanh chóng. Trong số 31 dự án tiếp nhận vào trong khu công nghiệp, đã có 9 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 22 dự án đang xây dựng và triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư thực hiện là trên 300 triệu USD. Các dự án đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 500 lao động, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh nói chung, các KCN trên địa bàn nói riêng. Năm 2011, giá trị doanh thu của các doanh nghiệp trong khu ước đạt gần 22,527 triệu USD; giá trị xuất khẩu ước đạt trên 12 triệu USD. Trong thời gian tới, khi các dự án hoàn thành việc đầu tư sẽ là cơ hội lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo, lao động công nghiệp công nghệ cao. Điển hình như dự án của Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II (Nhật Bản) dự kiến sử dụng trên 5.000 lao động; dự án sản xuất lithium sắt phốt phát sử dụng làm điện cực cho pin lithium của Công ty TNHH SOC Việt Nam (Nhật Bản) dự kiến tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

 Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện hạ tầng tiếp nhận các nhà đầu tư trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư cho giai đoạn I, Công ty TNHH KCN Thăng Long II đã tiếp tục nghiên cứu khảo sát vị trí và báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mở rộng KCN thêm 125,6ha. Ngày 27.4 vừa qua, tại Văn bản số 676/KTN-TTg ngày 27.4.2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung KCN Thăng Long II với diện tích 125,6 ha vào danh mục các KCN dự kiến ưu tiên mở rộng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN và Ban quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho phép điều chỉnh mở rộng KCN Thăng Long II từ 219,6 ha lên 345,2 ha. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng từ 51 triệu USD lên 108 triệu USD. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai dự án, hoàn thiện các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, để đầu tư xây dựng hạ tầng cho phần dự án mở rộng. Trong thời gian tới, khi KCN và các dự án thu hút đầu tư vào trong khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định sẽ là động lực trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; thúc đẩy các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ phát triển, giải quyết nhiều công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động địa phương, đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như là đòn bẩy thúc đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH của tỉnh.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khu công nghiệp tại Hưng Yên tạo sức hút cho nhà đầu tư(27/03/2024 7:10 SA)

Hưng Yên: Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài(23/10/2023 6:57 SA)

Khu công nghiệp Tân Dân(21/03/2023 8:55 SA)

Khu công nghiệp Tân Á Đại Thành(21/03/2023 8:54 SA)

Khu công nghiệp Thổ Hoàng(21/03/2023 8:52 SA)

°
144 người đang online